Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số toàn diện và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Một trong những giải pháp được các cơ sở giáo dục triển khai trong những năm học gần đây đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực là học bạ điện tử. Phần mềm này đã giúp cải cách hành chính, tăng tính công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên Trường THCS Gia Cẩm nhận xét, nhập điểm qua phần mềm học bạ điện tử
Năm học 2022 – 2023, Trường THCS Gia Cẩm có tổng số 1.559 học sinh. Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, nhà trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ đạo cán bộ, giáo viên sử dụng các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý và giảng dạy… Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng học bạ điện tử đã giúp công việc liên quan đến hồ sơ, sổ sách của giáo viên, cán bộ quản lý nhẹ nhàng, khoa học hơn.
Thầy giáo Nguyễn Thiều Uyên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ năm học 2021 – 2022, nhà trường áp dụng học bạ điện tử cho học sinh khối 6, đến năm học 2022 – 2023 thực hiện với khối 7 và lộ trình đến sẽ áp dụng với toàn bộ các khối trong những năm học tiếp theo. Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang sử dụng học bạ điện tử đem lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, quản lý sổ sách, thuận tiện lưu trữ, bảo quản. Đặc biệt, phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong giáo dục, tránh các tiêu cực trong đánh giá, điểm số.
Cô giáo Đặng Thị Chung – Giáo viên chủ nhiệm lớp 6D, Trường THCS Gia Cẩm chia sẻ: Lợi ích đầu tiên từ việc sử dụng học bạ điện tử mang lại chính là giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm áp lực sổ sách, dễ dàng ký học bạ mọi lúc, mọi nơi thông qua hình thức ký số. Qua đó đã giảm bớt áp lực, để giáo viên có thêm thời gian chuyên tâm cho việc dạy học. Về phía phụ huynh và học sinh, sử dụng học bạ điện tử sẽ giúp tra cứu kết quả học tập của học sinh một cách dễ dàng, qua đó theo dõi được tình hình học tập của con em mình.
Sử dụng học bạ điện tử giúp công việc liên quan đến hồ sơ, sổ sách của cô giáo Đặng Thị Chung bớt áp lực hơn
Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ yêu cầu ngành GD&ĐT hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về GD&ĐT (cơ sở dữ liệu ngành). Ngành GD&ĐT đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học. Trong đó, ứng dụng học bạ điện tử đã được triển khai tại 188/569 trường học trên địa bàn tỉnh, đạt 33%.
Ông Đào Mạnh Thắng – Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Việt Trì cho biết: Phòng GD&ĐT thành phố Việt Trì đã chỉ đạo 25/25 trường THCS trên địa bàn triển khai học bạ điện tử đối với khối 6 từ năm học 2021 – 2022. Đến năm học 2022 – 2023 tiếp tục triển khai đối với khối 1, khối 7. Lộ trình trong các năm học tới tiến hành triển khai đồng bộ học bạ điện tử tại toàn bộ các khối lớp tại 100% các trường tiểu học, THCS. Sau khi triển khai sổ học bạ điện tử cho học sinh, đa số các cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai là học bạ điện tử chưa được triển khai đồng bộ trong tất cả các nhà trường, chưa có một nền tảng, hệ thống phần mềm dùng chung cho tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh và toàn quốc. Đối với các nhà trường đang sử dụng thì mỗi trường học sử dụng một phần mềm khác nhau nên học bạ điện tử chỉ có thể sử dụng, lưu hành và quản lý trong nội bộ trường học, chưa thể kết nối liên thông với các trường học khác cũng như những đơn vị bên ngoài. Vì vậy, mỗi khi học sinh chuyển trường đi và đến trên địa bàn tỉnh và ra tỉnh ngoài, hoặc khi học sinh vào học đại học thì các nhà trường vẫn phải in ra học bạ giấy truyền thống cho học sinh.
Phòng Tin học của Trường Tiểu học Tân Dân, thành phố Việt Trì được đầu tư đầy đủ thiết bị với đường truyền tốc độ cao
Theo Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập – Phó giám đốc Sở GD&ĐT: Để việc triển khai học bạ điện tử trong trường học phát huy hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đề ra thì các trường học phải có sự thay đổi từ tư duy, phương pháp quản lý đến trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số đảm bảo đồng bộ; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Đối với những vướng mắc trong quá trình triển khai học bạ điện tử cần có sự vào cuộc thống nhất từ Bộ GD&ĐT nhằm đồng bộ hóa dữ liệu, xây dựng một nền tảng dùng chung cho tất cả các trường học trên toàn quốc. Từ đó tạo tính liên thông, hiệu quả của việc sử dụng học bạ điện tử giữa các cấp học, bậc học trên toàn quốc.