Sáng 9/4, Thường trực Huyện ủy Yên Lập họp nghe đánh giá công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh, TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Bùi Hồng Hoàng, Phó bí thư thường trực Huyện ủy; Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện; Lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan liên quan.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Thường trực Huyện ủy nghe cơ quan chuyên môn báo cáo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2023, phương hướng nhiệm vụ 2024. Theo đó, Năm 2023, trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai như: rét đậm, rét hại, mưa lớn kèm giông lốc xoáy, mưa lũ gây sạt lở, vùi lấp mương phai; nứt và xói mòn đường giao thông và gây hư hỏng nhiều công trình của các hộ dân, gây tổng thiệt hại ước tính khoảng 2.800 triệu đồng.
Để chủ động ứng phó kịp thời trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2023, các cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và TKCN. Bên cạnh đó, khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo huyện, thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên kiểm tra hiện trường, chỉ đạo trực tiếp, huy động vật tư, vật lực, phương tiện tham gia theo phương châm 4 tại chỗ, tổ chức duy trì nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, kịp thời xử lý nên trên địa bàn huyện không có sự cố phức tạp xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu, đồng chí Bí thư Huyện ủy: Nguyễn Thị Phương Hạnh kết luận và nhấn mạnh: Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng cho nên phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng là chính, nâng cao năng lực trong việc xử lí tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó với thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình, xác định các điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân. /.
Thực hiện: Hồng Vân, Hoàng Long (Trung tâm VH,TT,DL&TT huyện)