Các chuyên gia cho rằng, nếu không quyết liệt làm sạch không gian mạng, đẩy lùi vấn nạn lừa đảo online đang ngày càng nở rộ, rất có thể nhiều người dân sẽ e ngại khi hoạt động trên không gian mạng.
Lừa đảo trực tuyến ngày càng phổ biến
Bà Chu Nhung, một cán bộ về hưu tại Hà Nội đã suýt khai hết thông tin cá nhân của bản thân khi một người xưng là công an đang điều tra một vụ án kinh tế gọi đến điện thoại của bà. Người này yêu cầu bà xác minh danh tính bằng cách khai báo đầy đủ thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ thường trú, số căn cước công dân, ngày cấp… để kiểm tra trên hệ thống. Việc khai thác thông tin chỉ dừng lại khi đối tượng hỏi số tài khoản giao dịch ngân hàng khiến bà nảy sinh nghi ngờ mình bị lừa đảo và lập tức dập máy.
Không may mắn như bà Nhung, chị Mai Hương, một giáo viên ở Nam Định vì muốn kiếm thêm thu nhập đã nghe theo sự lôi kéo, dụ dỗ của 1 nhóm đối tượng trên mạng để tham gia làm cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. Sau những lần làm nhiệm vụ trên các sàn thương mại điện tử giả mạo do nhóm đối tượng này lập ra, chị Hương đã bị mất số tiền hơn 400 triệu đồng. Điều chị day dứt hơn cả là đã đánh mất niềm tin của mọi người trong gia đình.
Tình huống bà Nhung hay chị Hương gặp phải chỉ là 2 trong vô vàn những chiêu thức lừa đảo đã và đang được các đối tượng xấu thực hiện trên không gian mạng. Nhiều kịch bản lừa đảo đã được các nhóm đối tượng “chế biến” để lừa người dùng như giả mạo người thân nhờ chuyển tiền, giả mạo cơ quan chức năng báo vi phạm giao thông, lừa nâng cấp SIM điện thoại, gửi tin nhắn SMS Brandname giả mạo từ các tổ chức ngân hàng, tài chính…
Theo khảo sát của Bkav, cứ 4 người dùng Việt Nam thì có đến 3 người nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online. Đáng chú ý, trong năm 2022, nhiều người dùng đã trở thành nạn nhân của các chiêu thức lừa đảo, bị lừa đánh cắp thông tin cá nhân và tài sản. Có thể kể đến như vụ việc mất 2,1 tỷ đồng trong tài khoản do lừa đảo nâng cấp SIM ở Thành phố Hồ Chí Minh; hay vụ việc mất hơn 5,5 tỷ đồng sau khi nghe điện thoại và làm theo yêu cầu của kẻ giả mạo công an ở Hà Nội.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng ngày càng nở rộng các hình thức lừa đảo trực tuyến, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trung bình mỗi người dân Việt Nam hiện dành khoảng 7 tiếng mỗi ngày để trực tuyến trên Internet. Tuy thời gian người dân trực tuyến tăng rất nhanh, nhưng nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin của mọi người chưa theo kịp yêu cầu.
Bảo vệ người dân trên không gian mạng
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa người dân, doanh nghiệp chuyển hoạt động lên môi trường số, các chuyên gia bảo mật đều có chung nhận định rằng, chỉ cần một sự cố an toàn, an ninh mạng nghiêm trọng có thể làm ngưng trệ chương trình chuyển đổi số của cả một ngành, một địa phương, một doanh nghiệp. Tương tự, vấn nạn lừa đảo trực tuyến nếu không được đẩy lùi sẽ ảnh hưởng đến việc tạo dựng và duy trì niềm tin số cho người dân, khiến họ lo ngại khi chuyển hoạt động lên không gian mạng.
Nhận thức rõ điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định năm 2022 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng. Thời gian qua, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan ngăn chặn 5.078 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, đã ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, vi phạm pháp luật, trong đó có 1.342 trang website lừa đảo trực tuyến.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng và liên tục cập nhật Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo lực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu và cùng với cơ quan chức năng ngăn chăn tình trạng lừa đảo trực tuyến một cách kịp thời; Cung cấp công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.
Đặc biệt, với mong muốn giải quyết tận gốc vấn đề, giúp cho mọi người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên mạng, từ cuối tháng 11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động thành lập Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Với sự tham gia của Cục An toàn thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và 8 doanh nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông lớn, Liên minh được kỳ vọng hoàn thành trọng trách nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn thông tin cho đông đảo người dân, để họ có thể tự bảo vệ mình trên môi trường số. Đây cũng được coi là giải pháp căn cơ, lâu dài để duy trì niềm tin số cho người dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số trong tương lai gần.
Nguồn: mic.mtibbs.com