Bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng: Khi làm việc ở văn phòng của Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều. Học tập Bác đức tính giản dị, tiết kiệm.
Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại, miếng vá nọ thay lên miếng vá kia. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.
Những năm tháng giúp việc ở văn phòng Bác bà đã có những kỷ niệm không bao giờ quên.
Bà còn kể rằng:
Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà:
– Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.
Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà:
– Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.
Câu chuyện bà kể khiến chúng tôi xúc động và thương Bác rất nhiều. Bác thật giản dị và tiết kiệm, chắt chiu như người cha lo cho một gia đình lớn, như cảnh nhà đông con mà còn túng thiếu. Chiếc áo gối vá, bát cháo nấu bằng cơm nguội của vị Chủ tịch Nước có tác động lớn đến suy nghĩ của mỗi con người nhất là hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.
Bài học rút ra từ câu chuyện
Câu chuyện “Giản dị và tiết kiệm”trên cho cho chúng ta thấy Bác nêu gương tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất. Bản thân tiết kiệm có thể giúp đỡ và mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người khó khăn hơn chúng ta, để niềm vui được nhân đôi. Chiếc áo gối vá chằng đụp, bát cháo nấu bằng cơm nguội của vị Chủ tịch Nước có tác động lớn đến nhận thức của mỗi chúng ta. Sự giản dị, tiết kiệm và chắt chiu của một vị lãnh tụ, người đứng đầu đất nước. Với Bác tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý chứ không phải keo kiệt, bủn xỉn. Tiết kiệm cả về vật chất, thời gian, sức lực của con người. Theo Bác, tiết kiệm cần phải tinh tế; tiết kiệm kiểu keo kiệt, bủn xỉn là xấu, nhưng tiết kiệm mà văn minh và hợp lý thì phải khen. Bác còn nhấn mạnh việc gì đáng phải tiêu thì 1 vạn cũng không tiếc, nhưng việc không đáng tiêu thì 1 xu cũng không chi, vì tất cả đều tiêu dùng vào tiền của, công sức của Nhân dân. Bác đã căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên: Việc gì có lợi cho nhân dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại cho nhân dân thì phải hết sức tránh.
Suốt cả cuộc đời, Bác Hồ luôn là một tấm gương mẫu mực về sự giản dị, tiết kiệm, trở thành một nét nhân cách vĩ đại của Bác. Điều quan trọng hơn, tư tưởng của Người không chỉ thể hiện bằng lời nói mà luôn đi đôi với việc làm rất cụ thể. Đức tính giản dị, tiết kiệm của Người mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo, nhất là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí hiện nay. Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện, tu dưỡng mình, việc tưởng dễ nhưng lại rất khó. Dễ vì cách sống của Bác rất bình thường, đơn giản nếu quyết tâm thì ai cũng làm được. Còn khó vì nếu không có tâm trong sáng, không có chí hướng, không có nghị lực, không có lòng yêu thương con người thật sự thì không thể làm theo. Vì vậy, thiết nghĩ để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự có kết quả thì mỗi chúng ta đều phải tự giác, tích cực điều chỉnh bản thân ngay từ cách sống tiết kiệm và giản dị hằng ngày.
Câu chuyện “Đức tính giản dị và tiết kiệm của Bác Hồ” không chỉ nhắc nhở mỗi chúng ta phải sống giản dị, tiết kiệm, luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện mà còn phải tích cực đấu tranh chống lại lối sống xa hoa, tham nhũng, lãng phí, phô trương, hình thức.