Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển, song đây đồng thời là nhiệm vụ mới và khó với không chỉ Phú Thọ mà với tất cả các địa phương trong cả nước. Với sự nỗ lực, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TU ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, hướng đến 2030 (Nghị quyết số 55), công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh về nội dung triển khai Chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 (tháng 3/2022)
Quyết tâm từ “người đứng đầu”
Nhiều năm trở về trước, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh còn chưa đồng bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai còn riêng lẻ, chưa liên thông, chia sẻ dữ liệu; trang thiết bị CNTT tại một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp xã còn thiếu, xuống cấp. Trong khi nguồn kinh phí thực hiện còn eo hẹp, người dân ngại tiếp cận, cán bộ còn “bối rối”… khiến việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử ở tỉnh Phú Thọ trong những năm đầu thực hiện vô cùng khó khăn.
Xác định việc xây dựng thể chế có ý nghĩa quan trọng quyết định thành công của quá trình xây dựng chính quyền điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng làm kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho tỉnh ban hành Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Quyết định về Đề án Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2022, 2023, hàng loạt các văn bản của UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành như: Kế hoạch Phát triển hạ tầng số đến năm 2025; Kế hoạch Nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2022, 2023; Kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu số tỉnh Phú Thọ…
Tinh thần quyết tâm, nỗ lực “vượt khó” đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chuyển tải trong các cuộc họp về triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ đã được kiện toàn do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thành lập Ban Chỉ đạo Chính quyền điện tử, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương làm Trưởng ban. Đây là điều kiện tiên quyết để công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số được đồng thuận, thông suốt trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ công chức, viên chức đã thể hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu, phát huy tinh thần trách nhiệm với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc”; tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; chỉ đạo đổi mới hoạt động, điều hành và mô hình nghiệp vụ từ “truyền thống” sang ứng dụng CNTT.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và các đại biểu tham quan, trải nghiệm các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Hội nghị Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ
Trong kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số các huyện, thành, thị hằng năm, thị xã Phú Thọ là một trong số ít địa phương liên tục đứng trong tốp đầu. Tuy nhiên, nhắc lại thời điểm khó khăn của những ngày đầu triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đồng chí Nguyễn Công Huân – Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết: Đội ngũ cán bộ tại các xã, phường đã quen xử lý công việc trên giấy, người dân thì quen đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), do đó để họ thay đổi phương thức làm việc trên môi trường mạng là điều không hề dễ dàng. Thị xã Phú Thọ đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các xã, phường; tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, cầm tay chỉ việc cho từng cán bộ.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hiện đại thị xã Phú Thọ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến
Thị xã tập trung đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ còn hạn chế như: Nâng cấp hạ tầng mạng, hệ thống trang thiết bị, trang thông tin điện tử tại các xã, phường; đẩy mạnh số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn thực hiện các giao dịch điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt… Nhờ đó, thị xã Phú Thọ là đơn vị cấp huyện đầu tiên hoàn thành triển khai số hóa 25 dịch vụ công thiết yếu; là một trong 3 đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với lĩnh vực đất đai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thị xã cũng là một trong số ít địa phương bố trí được 2 công chức chuyên trách về CNTT cấp huyện; mỗi xã, phường bố trí được 1 cán bộ phụ trách lĩnh vực CNTT, trong đó 100% cán bộ đạt trình độ đại học trở lên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đảm bảo hiệu quả.
Thói quen thay đổi, nhận thức được nâng cao, các cấp, ngành, nhất là người dân và doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động, tham gia tích cực vào lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Chuyển mình mạnh mẽ
Trong ba trụ cột chính (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), Phú Thọ xác định chính quyền số thực hiện sứ mệnh dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Với phương châm “đi từng bước chắc chắn, làm đến đâu chắc đến đấy”, Phú Thọ đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung làm tốt việc huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số. Phát triển, kết nối, khai thác các nền tảng chuyển đổi số tập trung, thống nhất trong toàn tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Hệ thống hội nghị trực tuyến; Trung tâm điều hành thông minh; Trung tâm giám sát an toàn thông tin; Trung tâm dữ liệu số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên tinh thần giải quyết từng việc một đi đôi với rút kinh nghiệm liên tục, Phú Thọ đã lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có tác động trực tiếp vào khâu đột phá của tỉnh để tập trung thực hiện chuyển đổi số. Trong đó đảm bảo đầy đủ các điều kiện, kết nối liên thông thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; xây dựng Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành là yếu tố quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước. Đồng thời, phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng số, từ đó đưa công nghệ số lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phối hợp với Công an tỉnh triển khai cấp căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho người dân
Đặc biệt, để người dân có điều kiện tham gia vào các hoạt động trên môi trường số, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, xã đã nỗ lực số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thành lập các bộ phận thường xuyên giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Công an tỉnh hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho
100% công dân trên toàn tỉnh đủ điều kiện; cấp 820.653 tài khoản định danh điện tử, trong đó đã kích hoạt 773.675 tài khoản, tạo thuận tiện cho người dân khi tham gia các giao dịch trên môi trường mạng.
Toàn tỉnh đã nhập 679.978 hồ sơ dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sử dữ liệu Quốc gia về dân cư, đạt 50,6%. Triển khai bệnh án điện tử tại 12 đơn vị khám chữa bệnh cấp tỉnh, cấp huyện, 100% cơ sở bán thuốc kết nối liên thông kê đơn thuốc điện tử với phần mềm Quản lý Dược Quốc gia. Triển khai đồng bộ phần mềm quản lý trường học, ứng dụng nền tảng học trực tuyến để phục vụ công tác dạy và học tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh… Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại 100% các xã, phường, thị trấn; bước đầu phát huy được vai trò trong việc hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Nhờ chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong cách làm, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 55 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kết quả xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã góp phần tăng thứ hạng các chỉ số của tỉnh như: Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh – DTI xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, trong đó hạ tầng số xếp thứ 6/63 tỉnh thành phố, chính quyền số xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công – PAPI xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính – SIPAS xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Từ đó góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn – TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Chuyển đổi số là một trong những định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm được Phú Thọ tập trung triển khai quyết liệt. Với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, phát triển kinh tế số, xã hội số để cải thiện mức sống của người dân, xây dựng các doanh nghiệp có nội lực và khả năng cạnh tranh cao, nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh Phú Thọ quyết tâm thực hiện.
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, chính sách trong chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn; đẩy mạnh phát triển chính quyền số để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Nguồn: Phutho.mtibbs.com